Có con sau 18 lần chuyển phôi thụ tinh ống nghiệm thất bại

25/03/2025
|
0 lượt xem
Các Bệnh Hiếm Muộn Sức Khỏe Vô Sinh Hiếm Muộn
Có con sau 18 lần chuyển phôi thụ tinh ống nghiệm thất bại

"Đây là trường hợp chuyển phôi thất bại 'kỷ lục' mà chúng tôi tiếp nhận và điều trị thành công ngay lần đầu tiên", ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm IVF Tâm Anh TP HCM, cho biết hôm 25/3, thêm rằng sự kiên trì của bệnh nhân, nỗ lực của cả êkíp và công nghệ hiện đại hỗ trợ giúp chị Trà có con. Trước đó, trường hợp khó nhất bệnh viện tiếp nhận điều trị là một phụ nữ chuyển phôi thất bại 12 lần ở các trung tâm khác.

ThS.BS Giang Huỳnh Như chia vui cùng một người bệnh khi đậu thai. Ảnh minh họa: Hoài Thương

Vợ chồng chị Trà vô sinh không rõ nguyên nhân 14 năm. Từ năm 2012 đến 2020, họ đến 5 bệnh viện tại TP HCM để thụ tinh ống nghiệm, tạo được nhiều phôi song 14 lần chuyển phôi vào tử cung đều không thành công.

Sau hai năm hoãn điều trị vì dịch Covid-19, vợ chồng lại tới một bệnh viện khác, lúc này chị Trà đã 40 tuổi, dự trữ buồng trứng gần như cạn kiệt. Để có con, vợ chồng chấp nhận xin trứng của người cháu họ để thụ tinh ống nghiệm, song chuyển phôi thêm 4 lần vẫn không đậu thai.

Khi đến IVF Tâm Anh TP HCM vào tháng 4/2024, vợ chồng chị dự định tiếp tục xin trứng để thụ tinh ống nghiệm. Bác sĩ Như chẩn đoán chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) của chị Trà rất thấp, còn 0,83 ng/ml, ghi nhận đầu chu kỳ kinh nguyệt mỗi bên buồng trứng chỉ có một nang. "Còn noãn là còn hy vọng có con", bác sĩ Như trấn an, giúp chị Trà quyết tâm có con bằng trứng của chính mình.

Bác sĩ Như áp dụng chiến lược gom noãn tích lũy nhiều chu kỳ giúp thu được tối đa số noãn còn lại, mục tiêu tạo được nhiều phôi chất lượng tốt, tăng tỷ lệ đậu thai. Với phác đồ kích thích buồng trứng nhẹ, bác sĩ chọc hút được tối đa số noãn trưởng thành ở từng chu kỳ, gồm 2 noãn ở chu kỳ đầu tiên, 6 noãn ở chu kỳ thứ hai và 7 noãn ở chu kỳ thứ ba. Noãn sau khi thụ tinh được nuôi cấy trong hệ thống tủ trang bị camera quan sát liên tục tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), thu về 4 phôi ngày 5 và hai phôi ngày 6, đạt số lượng và chất lượng phôi lý tưởng.

Chuyên viên phôi học theo dõi quá trình phát triển của phôi trong hệ thống tủ nuôi cấy. Ảnh: IVF Tâm Anh

Trước khi chuyển phôi, bác sĩ kiểm tra tử cung để tìm nguyên nhân gây thất bại những lần trước, phát hiện hai vòi trứng của chị Trà ứ dịch nặng, viêm nội mạc tử cung. Chất dịch rỉ xuống phần tử cung gây độc cho phôi thai, ngăn cản phôi bám dính và làm tổ. Chị cần điều trị dứt điểm tình trạng này để tăng tỷ lệ đậu thai.

Chị Trà được phẫu thuật nội soi cắt hai vòi trứng, điều trị viêm nội mạc tử cung bằng thuốc, sau đó chuẩn bị nội mạc tử cung đủ điều kiện. Bác sĩ chuyển một phôi vào lòng tử cung, cũng là lần chuyển phôi thứ 19 trong 15 năm qua, chị Trà đậu thai. Hồi tháng một, bé trai chào đời khỏe mạnh, nặng gần 2,2 kg. Vợ chồng chị còn 5 phôi đang trữ đông tại bệnh viện để vài năm nữa sinh thêm con.

"Đây thực sự là điều kỳ diệu", vợ chồng chị Trà chia sẻ.

Theo bác sĩ Như, tại IVF Tâm Anh, trường hợp vợ chồng lớn tuổi, chuyển phôi thất bại nhiều lần chiếm khoảng 65% bệnh nhân vô sinh hiếm muộn. Họ đều mắc bệnh lý phức tạp, dự trữ buồng trứng suy giảm, tâm lý lo lắng, chán nản. Để tăng tỷ lệ thành công sau chuyển phôi, bác sĩ thăm khám toàn diện và kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân thất bại trước đó. Chiến lược gom noãn tích lũy nhiều chu kỳ kết hợp công nghệ nuôi cấy phôi hiện đại trong labo siêu sạch tiêu chuẩn ISO 5, phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung kỹ lưỡng, giúp tỷ lệ IVF thành công trung bình gần 79%, với phụ nữ ngoài 40 tuổi là hơn 48%.

Hoài Thương

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh, hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật